Chuyển đổi số giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thanh Hóa hiện có 464 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Để sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, các chủ thể OCOP còn tích cực giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên các ứng dụng nền tảng số.

177d4140925t75678l0.jpg
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina (Hà Trung) tạo thu nhập, việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina, địa chỉ xã Yến Sơn (Hà Trung) là đơn vị chuyên gia công và sản xuất các mặt hàng gia dụng bằng tre. Hiện công ty có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: Bộ dụng cụ nhà bếp (gồm: thớt, khay, muôi, kẹp gắp, giỏ đựng và hộp dắt dao kéo), ghế mát xa thư giãn, ghế gấp đa năng, hộp đựng bánh kẹo, hộp đựng bút và 2 sản phẩm OCOP 3 sao vừa được công nhận năm 2023 đó là kệ tre gấp và hộp đựng bút Bavina.
Bà Hoàng Thị Luật, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina cho biết: Hằng năm, công ty sản xuất được hàng chục nghìn sản phẩm các loại. Để sản phẩm làm ra tiêu thụ được, đảm bảo việc làm cho gần 60 lao động với mức thu nhập dao động từ 4,5 – 10 triệu đồng/người/tháng, công ty đã nỗ lực tìm kiếm và sử dụng các kênh bán hàng. Ngoài bán hàng trực tiếp, công ty còn sử dụng các nền tảng số như: Facebook, zalo và tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm... Nhờ đó, 100% sản phẩm của công ty làm ra đều được tiêu thụ, trong đó có 40% sản phẩm được tiêu thụ qua Facebook, zalo và các sàn TMĐT. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, các sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu đi thị trường một số nước ở Trung Đông và Châu Âu... thông qua các đối tác.
Trước đây, các sản phẩm từ yến của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh, địa chỉ xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đến tay người tiêu dùng bằng kênh bán hàng truyền thống. Hiện nay, ngoài sử dụng kênh bán hàng này thông qua 21 cửa hàng trên địa bàn tỉnh, công ty còn đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng số. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty cho biết: Nhận thức được lợi ích từ chuyển đổi số, công ty đã dành nguồn lực nhất định đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, số hóa quy trình hoạt động để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cùng với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, công ty đã đầu tư kinh phí xây dựng website quảng bá sản phẩm. Đồng thời, thành lập riêng bộ phận truyền thông, bán hàng online qua các kênh Facebook, TikTok và trên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo...
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, đến nay các sản phẩm từ tổ yến của công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Hiện, mỗi tháng, công ty xuất bán từ 60.000 – 90.000 hũ yến chưng và trên 30kg tổ yến sào..., trong đó bán qua các nền tảng số chiếm từ 30 – 50%, đem lại doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Anh Tú cho biết: Ngoài 2 sản phẩm tổ yến chưng và tổ yến sào của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021, công ty còn có 1 sản phẩm Đông dược Vương đang chờ Hội đồng thẩm định đánh giá, xếp hạng OCOP công nhận.
Nhờ sử dụng hiệu quả các kênh bán hàng từ trực tiếp đến bán hàng online (qua Zalo, Facebook...), cơ sở nem chua Bà Lan, địa chỉ 16 - 18, 22 Hàng Than, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) hiện đang tiêu thụ được vài vạn nem/ngày.
Bà Đỗ Thị Lan, chủ cơ sở cho biết: Sản phẩm nem chua của gia đình đạt OCOP 4 sao năm 2022. Sau khi được công nhận, cơ sở của bà đã tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện các bước giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên các nền tảng số do các ngành chức năng của tỉnh, thành phố tổ chức. Từ khi tham gia các lớp tập huấn này, sản phẩm nem chua của cơ sở có điều kiện được quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng số, giúp đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nếu như trước đây, mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất dưới 1 vạn nem, nay đã tăng lên từ 1- 2 vạn, thậm chí hơn nữa, nhất là vào thời gian cao điểm như tết hay dịp hè. Hiện nay, đang là thời gian cao điểm phục vụ khách hàng dịp tết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở phải huy động 20 – 30 người làm nem và ngày công được trả theo sản phẩm, đảm bảo mức thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, Thanh Hóa hiện có 464 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 56 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Để sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, các sở, ngành liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình trên các sàn TMĐT. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể OCOP xây dựng video, live stream,... trên các nền tảng số.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: Hiện đã có 100% các sản phẩm đã được giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng số, có 50% sản phẩm đã ứng dụng các nền tảng số như Zalo, Facebook, Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Tiki, Alibaba, Amazon... Thông qua chuyển đổi số, nhiều đơn vị như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina (Hà Trung), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)... đã tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra nước ngoài, góp phần tạo doanh thu cho chủ thể, đồng thời giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Nguồn: Báo Thanh Hóa