Năm 2024, Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp... tỉnh Thanh Hóa xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Ngày 21/02/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, trong đó tập trung các nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; Đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm Chương trình trong và ngoài nước; Tư vấn, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chu trình OCOP hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; Tư vấn phát triển sản phẩm, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP; Tổ chức lựa chọn ý tưởng sản phẩm, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Xúc tiến thương mại; Xây dựng và triển khai, thực hiện các dự án cấp huyện; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai, thực hiện Chương trình; Kiểm tra, giám sát, thử nghiệm và sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình. Phấn đấu, năm 2024, toàn tỉnh có thêm từ 120 sản phẩm OCOP trở lên, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 4 sản phẩm OCOP 5 sao.
z5219128443088_c43636cfcd71e33bf303fd8f09c2cc0c.jpg

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP của 355 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 01 sản phẩm xếp hạng 5 sao, 56 sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao, 422 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, riêng quý 1/2024 công nhận thêm 15 sản phẩm. Các sản phẩm được công nhận OCOP luôn chú trọng chất lượng, mẫu mã, đầu tư công nghệ, quảng bá thương hiệu. Nhiều cơ sở đã biết liên kết, hợp tác với các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước tiêu thụ hàng hóa như: nước mắm, mắm tôm Lê Gia (OCOP 5 sao), các sản phẩm thủ công cói, tre của các doanh nghiệp Nga Sơn, Hà Trung, Nông Cống... Hầu hết các sản phẩm OCOP được cơ sở chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm qua hình thức livetreams, lập website, fanpage tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, hội thảo, sàn thương mại điện tử, chuyển đổi số, gửi hàng đến các điểm trưng bày của tỉnh, huyện và gian hàng siêu thị Coopmart.
Các sản phẩm đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều tăng trưởng cả quy mô sản xuất và doanh thu bán hàng (khoảng 15 - 20%) so với trước khi tham gia chương trình.
Để đạt được mục tiêu đó, các ngành, các cấp, các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình công tác chỉ đạo, kế hoạch cụ thể để thực hiện, phát triển sản phẩm, đưa chương trình OCOP ngày càng đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, Các địa phương cũng cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo để thực hiện tốt các nội dung Chương trình OCOP kết hợp với huy động hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, tăng cường liên kết hợp tác đặc biệt là các hoạt động xúc tiến xuất khẩu để đưa ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của Thanh Hóa ra thị trường quốc tế./.
Trần Linh Chi
Cán bộ phòng Truyền thông (OCOP), VPĐP NTM tỉnh