Tác động “kép” từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn nhằm khai thác tiềm năng nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo cơ hội cho các HTX nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn và định hướng rõ ràng theo nhu cầu thị trường. Nhiều HTX đã chủ động tham gia đẩy mạnh liên kết sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của HTX.
Sản phẩm dưa vàng đạt OCOP 4 sao của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa).
Trước khi tham gia Chương trình OCOP, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng chỉ trồng dưa vàng theo mô hình nhỏ lẻ, năng suất thấp và giá trị chưa cao. Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ và định hướng từ chương trình, HTX đã chuyển sang canh tác dưa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng nhà lưới hiện đại và hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, dưa vàng Thiệu Hưng được chứng nhận OCOP 4 sao, được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn như Go!Thanh Hóa, Co.opmart và trên các sàn thương mại điện tử. Với diện tích canh tác hơn 2ha, mỗi năm HTX thu hoạch từ 60 - 70 tấn dưa vàng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng. HTX còn tạo việc làm ổn định cho 10 - 15 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng dưa vàng ở đây còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông thôn bền vững.
Ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, chia sẻ: “Trước đây, dưa vàng Thiệu Hưng chỉ là sản phẩm địa phương, không có nhiều cơ hội để phát triển. Để trở thành sản phẩm OCOP, chúng tôi phải thay đổi cách thức sản xuất và phát triển sản phẩm một cách bài bản hơn, từ cải tiến quy trình canh tác đến chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ... Điều này đã giúp sản phẩm dưa vàng của HTX không chỉ gia tăng về doanh thu mà còn tạo việc làm bền vững cho nhiều lao động tại địa phương; đồng thời góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng về một sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng”.
Tại huyện Nông Cống, HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long đã chứng minh việc tham gia Chương trình OCOP tạo được bước tiến lớn trong phát triển. Trước đây, sản phẩm miến gạo Thăng Long chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều và ít được biết đến. Sau khi được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất và chiến lược marketing, HTX đã đầu tư máy móc hiện đại, cải tiến quy trình chế biến và đóng gói sản phẩm giúp miến gạo trở nên hoàn thiện và chất lượng. Sản phẩm miến gạo Thăng Long mang đậm hương vị truyền thống, thu hút người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch, góp phần nâng cao giá trị. Thành công này không chỉ giúp HTX gia tăng doanh thu, mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Nhờ tích cực tham gia Chương trình OCOP, các HTX đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và tăng giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập cho các thành viên. Việc phát triển sản phẩm OCOP của các HTX mang lại tác động “kép”, giúp các HTX tích cực tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của từng địa phương. Ngoài việc phát triển các sản phẩm OCOP mới, các HTX cũng chủ động nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đạt OCOP, nâng hạng sao, sử dụng mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, đồng thời tham gia vào các liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn trong và ngoài tỉnh.
Các tin khác
- Chủ động nguồn cung các sản phẩm OCOP phục vụ thị trường tết
- Tác động “kép” từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
- “Gõ cửa” miền Tây xứ Thanh (Bài 2): Vươn tầm sản phẩm OCOP
- Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP dịp cuối năm
- Thanh Hóa có thêm 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao
- Tập huấn cho cán bộ quản lý và chủ thể OCOP năm 2024
- “Số hóa” sản phẩm OCOP
- Huyện Thiệu Hóa có thêm 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao
- Như Thanh khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP
- Sản phẩm OCOP vươn xa nhờ công nghệ số