Thanh Hóa gắn phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM
Với quan điểm phát triển du lịch nông thôn (DLNT) là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình XDNTM, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện bền vững các tiêu chí NTM và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương.
Tiềm năng, lợi thế
Thanh Hóa có ba vùng địa lý rộng lớn, sở hữu nhiều tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ), với sự đa dạng sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, như rừng, núi, sông, hồ và bờ biển trải dài. Những cảnh quan này không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển nông nghiệp mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên.
Nơi đây, còn sở hữu đa dạng các loại nguyên liệu địa phương như tre, nứa… để làm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo, trở thành một phần của DLCĐ, các tour du lịch đặc thù tìm hiểu quy trình sản xuất và thưởng thức tại chỗ. Ưu thế này đậm đặc nhất là ở các huyện miền núi, như: Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân...
Thanh Hóa có ba vùng địa lý rộng lớn, sở hữu nhiều tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ), với sự đa dạng sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, như rừng, núi, sông, hồ và bờ biển trải dài. Những cảnh quan này không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển nông nghiệp mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên.
Nơi đây, còn sở hữu đa dạng các loại nguyên liệu địa phương như tre, nứa… để làm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo, trở thành một phần của DLCĐ, các tour du lịch đặc thù tìm hiểu quy trình sản xuất và thưởng thức tại chỗ. Ưu thế này đậm đặc nhất là ở các huyện miền núi, như: Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân...


Du khách tham quan trải nghiệm Bản Mạ (Thường Xuân).
Về văn hóa vật thể và phi vật thể, với 1.535 di tích được công bố và xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, Thanh Hóa còn có các ngôi làng cổ, đình chùa, giếng làng, nhà thờ họ, những công trình kiến trúc truyền thống mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền và các lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian gắn với canh tác nông nghiệp, cùng các giá trị gia đình truyền thống đã tạo nên sức hấp dẫn độc đáo đối với du khách.
Điều đáng chú ý, khu vực nông thôn nơi đây có lực lượng lao động trẻ và trung niên dồi dào, họ là những người sinh ra và lớn lên tại địa phương, có tình yêu sâu sắc với quê hương và mong muốn góp phần phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, chi phí nhân công thấp hơn so với các khu vực thành thị, giúp giảm áp lực tài chính trong việc triển khai các dự án DLCĐ.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, TT&DL, đánh giá: “DLCĐ đang trở thành hướng phát triển bền vững và đầy tiềm năng ở nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa - nơi có nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú và đa dạng. Trong bối cảnh đó, nhân lực đóng vai trò cốt lõi và mang lại những lợi thế vượt trội.
Người dân tại khu vực nông thôn thường có vốn kiến thức sâu sắc về văn hóa, phong tục, tập quán và các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Họ chính là “đại sứ văn hóa” tự nhiên, có thể truyền tải những câu chuyện chân thực và cảm hứng về cuộc sống thường nhật, từ đó tạo sự kết nối sâu sắc với du khách. Ví dụ, một người nông dân có thể hướng dẫn du khách cách trồng lúa, hoặc tham gia vào các lễ hội truyền thống. Đây không chỉ là trải nghiệm độc đáo mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị lao động và văn hóa bản địa”.
Mục tiêu và công tác triển khai
Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 14/4/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong XDNTM nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển DLNT gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch và giao cho đơn vị chúng tôi chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra và giám sát triển khai thực hiện Chương trình chuyên đề này là một vinh dự lớn, trách nhiệm cao, song cũng không tránh khỏi lo lắng, áp lực.
Theo ông Anh, công việc có vai trò lớn như vậy, nên những năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực để tham mưu và tích cực triển khai thực hiện từ tập huấn đến hỗ trợ phát triển điểm DLNT gắn với thực hiện các tiêu chí NTM. Trong đó, ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số… để họ nâng cao đời sống, tăng thu nhập…
Theo hướng đó, bên cạnh kết nối khai thác, phát huy giá trị của 11 khu, 61điểm du lịch mới được tỉnh công nhận, thì Thanh Hóa đang tập trung triển khai các mô hình điểm, như: Chuỗi giá trị sản phẩm chế biến từ cáy tại HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc (Quảng Xương); Chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành tour du lịch Pù Luông và DLCĐ bản Hiêu (Bá Thước); chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với DLCĐ bản Hang (Quan Hóa); DLCĐ bản Năng Cát (Lang Chánh)…
Sức hút DLCĐ
Trên cơ sở được giới thiệu, phóng viên về xã Yên Mỹ (Nông Cống) - nơi có tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch. Tuy các hoạt động đang ở bước đầu, song đến đây, du khách được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên xanh mát, với các vuông sen rộng thơm ngát, trải nghiệm leo núi, bơi thuyền...

Du khách tham quan trải nghiệm khu sinh thái hồ Bòng Bòng (Yên Mỹ).
Anh Viên Hữu Thêm ở thôn Trung Tâm chia sẻ: “Tôi tham gia làm dịch vụ DLCĐ vài năm nay, thấy nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách ngày càng tăng. Đặc biệt, trong những dịp hè, khi mùa sen nở rộ, lượng khách thăm tăng lên đáng kể. Gắn với thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên thì những câu hát, điệu múa… cũng được chú ý phát huy, tạo thêm sức hấp dẫn du khách tham quan”.
Chia sẻ cảm xúc sau hành trình trải nghiệm DLCĐ tại bản Năng Cát - thác Ma Hao, chị Nguyễn Thanh Phương, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Tôi rất ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ cùng những trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào Thái, như khám phá kiến trúc nhà sàn cổ; tham gia các trò chơi dân gian, như tung còn, nhảy sạp, khua luống; trải nghiệm ẩm thực hay tìm hiểu nghề truyền thống... Qua đây đã giúp tôi có thêm những hiểu biết về con người và vùng đất Thanh Hóa đậm đà bản sắc”.
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cở sở Mạ homestay riverside (Thường Xuân), cho biết: Cả bản có 4 homestay, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên, 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu/đồng/người/tháng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 có khoảng 50 hộ gia đình tham gia bán các sản phẩm địa phương. Vài năm trở lại đây, được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện, cơ sở vật chất cùng tính chuyên nghiệp trong dịch vụ được nâng cao, số lượng khách tăng lên, ước tính có 40-50 nghìn lượt khách ghé thăm mỗi năm, nên bây giờ chúng tôi toàn tâm toàn ý với DLCĐ”.
Từ góc nhìn khách quan và thực tế, có thể đánh giá, phát triển DLCĐ đã tạo lợi ích “đa chiều”, là giải pháp, hướng đi quan trọng trong XDNTM bền vững. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng sự quan tâm chỉ đạo từ chính quyền và sự đồng thuận của người dân, Thanh Hóa hoàn toàn có thể hoàn thành tốt Chương trình chuyên đề này.
Các tin khác
- Nâng sức cạnh tranh sản phẩm OCOP từ yếu tố bản địa
- Văn phòng Điều phối NTM Thanh Hóa tập huấn Chương trình phát triển du lịch nông thôn
- Thanh Hóa gắn phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM
- Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dong riềng
- Măng rừng và hành trình đến sản phẩm OCOP
- “Chìa khóa” nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo
- Chè Tán Ma Hiền Kiệt: Từ cây nhà lá vườn đến sản phẩm OCOP
- Thọ Xuân phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
- Phát triển ngành nghề tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
- Tăng giá trị nông sản bằng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP