Triệu Sơn hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với XDNTM nâng cao, kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Triệu Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng của từng địa phương. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

177d3094709t54766l0.jpg
Sơn Mộc trà - Lá ổi non và Sơn Mộc trà - Gừng, tía tô của Công ty CP Kinh doanh thương mại và Sản xuất Anh Khôi được phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2023, sau khi đăng ký làm sản phẩm OCOP, cơ sở miến Quê Hương của gia đình bà Lê Thị Cơi ở thôn 6 (xã Thọ Cường) được cán bộ xã hướng dẫn hoàn thiện các tiêu chí theo quy định và chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn kinh phí chương trình XDNTM. Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Thọ Cường, cho biết: “Cùng với việc hỗ trợ tiền, nhân công để hộ gia đình làm sân phơi, kho đóng gói, bảo quản sản phẩm, địa phương còn dồn đổi vùng nguyên liệu diện tích 5ha chuyên trồng lúa Q5 để sản xuất miến gạo và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tích cực phối hợp cùng chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục”. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tháng 6/2024, miến Quê Hương đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Sơn Mộc trà - Lá ổi non và Sơn Mộc trà - Gừng, tía tô của Công ty CP Kinh doanh Thương mại và Sản xuất Anh Khôi, ở thôn Diễn Thành (xã Hợp Thành) là 2 sản phẩm được đánh giá đảm bảo chất lượng, điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Triệu Sơn tổ chức tháng 8/2024. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về thủ tục hành chính nên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đề nghị UBND xã Hợp Thành hướng dẫn chủ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, chuyển địa điểm công ty về địa phương để kịp thời trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2024.

Anh Lê Tam Sơn, giám đốc công ty, cho biết: “Sản phẩm của công ty hiện đang trưng bày tại các điểm bưu điện cấp huyện, xã trong tỉnh, đồng thời được phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước qua kênh bán hàng truyền thống và các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao sẽ là động lực để doanh nghiệp không ngừng nâng cấp, hoàn thiện, hướng đến cung ứng những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Công ty sẽ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển vùng trồng GACP-WHO cà gai leo ở Thanh Hóa và kết hợp cùng cây dược liệu khác được trồng theo mô hình hữu cơ với mục đích nâng tầm dược liệu Việt Nam, tạo hướng đi mới trong kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn”.

Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Triệu Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, quán triệt quan điểm chỉ đạo của tỉnh và thực tế ở địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Huyện cũng chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm 2021, huyện Triệu Sơn đã ban hành Đề án “Phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Để đề án phát huy hiệu quả, huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các đơn vị về Chương trình OCOP. Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và đặt chỉ tiêu cho từng xã thực hiện với các cơ chế hỗ trợ riêng của địa phương. Đồng thời, giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các xã lựa chọn sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Huyện cũng luôn quan tâm đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh các sản phẩm sau khi đạt chuẩn OCOP... Đến nay, Triệu Sơn đã thực hiện hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho 35 sản phẩm OCOP của huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn Lê Phú Quốc, Chương trình OCOP của huyện đã và đang góp phần bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương. Việc thực hiện chương trình đã làm thay đổi nhận thức của các chủ thể trong việc phát triển các sản phẩm theo hướng hàng hóa, qua đó góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Triệu Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ nguồn nguyên liệu của địa phương.