Coi trọng “thương hiệu” để nông sản vươn xa

Xác định xây dựng và bảo vệ “thương hiệu” là “chìa khóa” để các sản phẩm nông sản khẳng định chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp, HTX, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản xứ Thanh. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã có sức cạnh tranh, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước và một số sản phẩm đã tham gia xuất khẩu.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 60.000 ha rau, quả, hầu hết diện tích sản xuất tập trung đều được người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...). Song chỉ có khoảng 12.600 ha rau an toàn; 200 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và khoảng 10% diện tích cây ăn quả được cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận VietGAP. Trong quá trình tiêu thụ, lượng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Anh Trịnh Quốc Huy, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Yên Ninh (Yên Định), cho biết: Hiện nay, HTX và người dân địa phương có khoảng 100 ha bưởi Diễn, sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Hầu hết diện tích bưởi của địa phương được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có khoảng 10 ha đã được chứng nhận VietGAP. Sản phẩm bưởi Thanh Đường Yên Ninh đã được chứng nhận OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều thương lái, cơ sở tiêu thụ đã nhập các sản phẩm bưởi khác về và gắn mác bưởi Thanh Đường Yên Ninh, bán với giá thấp hơn 1/3 so với giá thông thường. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, HTX mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản Thanh Hóa ngay tại thị trường nội tỉnh.
Thực trạng nói trên đã và đang diễn ra ở hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Nhất là đối với các sản phẩm rau, củ, quả. Bởi, những sản phẩm này có sản lượng và nguồn cung trên thị trường lớn, việc phân biệt, nhận diện khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến nông sản của tỉnh bị mất “thương hiệu” ngay tại thị trường nội tỉnh do việc quản lý “thương hiệu” lỏng lẻo, quy trình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX, người sản xuất chưa quan tâm tới logo, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, nên dễ bị thương lái “nhập nhèm” nhãn hiệu, tên sản phẩm... Phần lớn nông sản vẫn tiêu thụ ở các chợ truyền thống, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh...
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 62 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề;...
Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (Đông Sơn) là một trong những đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh khẳng định được vai trò, vị thế khi bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Ông Nguyễn Xuân Thiên, giám đốc công ty, cho biết: Công ty có hàng chục sản phẩm rau, củ, quả an toàn được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tuy nhiên, khi tiêu thụ trên thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu cạnh tranh. Do đó, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi luôn sản xuất theo đúng quy chuẩn được chứng nhận, sản phẩm dán tem nhãn đầy đủ. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và quy định về bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm rau, củ, quả của đơn vị được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nội tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 62 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; trong đó, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm gắn với địa danh địa phương, gồm: mắm tôm Hậu Lộc (Hậu Lộc), dưa hấu Mai An Tiêm, cói Nga Sơn (Nga Sơn), bưởi Luận Văn, bưởi Bắc Lương (Thọ Xuân), quế ngọc Thường Xuân, cải Làng Lê (Yên Định)... và 16 sản phẩm địa phương được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu làng Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, bánh lá răng bừa Thọ Xuân, cam Vân Du, bưởi Thanh Đường, cam Xuân Thành, vịt Cổ Lũng... Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng, khuyến khích các địa phương, người sản xuất xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) cho nông sản. Theo đó, đến tháng 4-2023, toàn tỉnh đã cấp được 76 MSVT xuất khẩu; trong đó có 45 MSVT ớt, 28 MSVT lúa, 1 MSVT bưởi, 1 MSVT vải, 1 MSVT thanh long và 1 cơ sở đóng gói ớt từ MSVT. Ngoài ra, ở các địa phương trong tỉnh cũng xây dựng được 20 MSVT lúa và 9 MSVT rau nội địa.
...thời gian gần đây, Việt Nam đã “mở” được nhiều cánh cửa của các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại nên cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt nói chung và nông sản xứ Thanh nói riêng ngày càng rộng mở.
Với số lượng, sản lượng nông sản hằng năm tương đối lớn, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đang trở thành vấn đề cấp thiết để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Việt Nam đã “mở” được nhiều cánh cửa của các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại nên cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt nói chung và nông sản xứ Thanh nói riêng ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, để sản phẩm nông sản có thể vươn xa thì các ngành chuyên môn, địa phương, người sản xuất cần chọn lựa sản phẩm độc đáo, có tiềm năng để tập trung quảng bá và có chiến lược marketing bài bản. Chính quyền các địa phương cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, HTX, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Nguồn: Báo Thanh Hóa