Khuyến khích các HTX tham gia Chương trình OCOP

Những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cũng nhờ thực hiện tốt chương trình, nhiều HTX đã có bước phát triển vượt bậc, đổi mới toàn diện, đầu tư máy móc, khoa học - kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng theo định hướng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Từ sự thay đổi đó, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia và đạt hiệu quả tích cực từ Chương trình OCOP.

Nhờ lựa chọn được hướng phát triển phù hợp và vận dụng linh hoạt, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) đã thành công với 2 sản phẩm OCOP 4 sao là dưa vàng Vạn Hà và dưa chuột baby Vạn Hà. Đồng thời, hiệu quả sản xuất cũng tăng lên đáng kể. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã đầu tư hơn 4,1 ha nhà lưới để sản xuất rau, củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột baby là những sản phẩm chủ lực. Để phát triển các sản phẩm theo chu trình OCOP, HTX đã tổ chức sản xuất và giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất, bảo đảm theo tiêu chuẩn yêu cầu. Sau khi các sản phẩm được “gắn sao”, việc tiêu thụ dễ dàng hơn, giá tiêu thụ luôn ổn định và cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 20%. Nhờ đó, bình quân thu nhập trên 1 ha sản xuất của HTX đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn 1,5 lần so với trước khi tham gia chương trình.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện có 66 HTX tham gia phát triển được gần 100 sản phẩm OCOP, chiếm 32% số lượng chủ thể tham gia chương trình. Để đạt được kết quả đó, các cấp chính quyền địa phương đã chú trọng khuyến khích các HTX phát triển sản xuất, xây dựng được sản phẩm chủ lực làm cơ sở đăng ký phát triển theo chu trình OCOP. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn cho các HTX xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ HTX; triển khai các chính sách hỗ trợ HTX về phương thức quảng bá, xúc tiến sản phẩm.

Các HTX cũng đã phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Từ việc tham gia Chương trình OCOP, các HTX nông nghiệp đã đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo động lực để phát triển bền vững. Ông Trương Ngọc Ninh, phụ trách Văn phòng Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia chương trình; chủ động đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP. Điều này không chỉ thực hiện mục tiêu Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa mà còn nâng cao doanh thu, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp của tỉnh.

Nguồn: Báo Thanh hóa