Mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo đang được nhân rộng

Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) được xem là dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao. Với mức sống của người dân ngày càng được nâng cao cùng với việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, nuôi cấy thành công, nên sản phẩm ĐTHT dễ dàng tiếp cận hơn với nhiều đối tượng khách hàng. Hiện nay nhiều mô hình ĐTHT ngày càng được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cá nhân, doanh nghiệp.

 Sau khi đạt thành công nhất định với sản phẩm yến sào, năm 2018, Công ty CP Dịch vụ yến sào VietNest (Yên Định) đã quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nuôi ĐTHT. Với diện tích 400m2, ban đầu công ty đã cấy thử 150 phôi giống nhưng không mang lại kết quả như kỳ vọng do quy mô còn nhỏ, quy trình sản xuất lại chưa đạt theo tiêu chuẩn khiến môi trường nuôi bị nhiễm bệnh, chỉ còn được vài phôi. Không nản chí, giám đốc công ty Nguyễn Thị Tâm đã cùng cộng sự ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi và đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại để khắc phục những sai sót và đã thành công.
Chia sẻ về quả ngọt của mình, bà Tâm cho biết: "Trước khi làm ra một sản phẩm mới nào đó, doanh nghiệp chúng tôi đều phải thử nghiệm và test rất kỹ, dù có thất bại cũng sẽ làm đến khi nào sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn về chất lượng mới yên tâm. Để đến được tay khách hàng, các công đoạn nuôi cấy ĐTHT đều được chúng tôi sử dụng các nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa, khoai tây và bổ sung vitamin B1, B8. Cùng với đó, phòng nuôi phải bảo đảm có nguồn ánh sáng tốt, nhiệt độ phải từ 19 đến 23°C, độ ẩm 75 - 95%, đặc biệt hệ thống cấp và lọc khí được lắp đặt tự động, điều chỉnh chính xác cho từng giai đoạn sinh trưởng. ĐTHT sau nuôi cấy sẽ được chế biến thành hai dạng khô và nước để đảm bảo hàm lượng dưỡng chất cũng như hoạt chất trong sản phẩm nguyên vẹn nhất. Riêng đối với sản phẩm ĐTHT nuôi cấy nguyên con, chúng tôi chỉ sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa bởi nếu sấy theo nhiệt truyền thống thì nhiệt độ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giảm cordycepin (chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá sự quý hiếm của ĐTHT) từ đó làm giảm chất lượng của sản phẩm.
Nhờ sự chỉn chu và kỹ lưỡng ấy, sau 5 năm ra mắt, đến nay các sản phẩm ĐTHT của công ty đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Hiện sản phẩm ĐTHT khô của Công ty CP Dịch vụ yến sào VietNest đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, trung bình mỗi tháng xuất bán được 7.000 hộp, mang lại doanh thu 30 tỉ đồng/năm. Công ty còn mở thêm showroom tại Malaysia, Trung Quốc và bỏ sỉ cho nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có không ít hộ sản xuất cá nhân mạnh dạn đầu tư sản xuất ĐTHT, đơn cử như ông Lê Minh Trường ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa). Sau khi từ bỏ công việc đúng chuyên ngành với mức thu nhập ổn định, ông bắt tay vào thực hiện đam mê cũng như trăn trở của mình đó là xây dựng mô hình nuôi cấy ĐTHT. Bước đầu sau khi thử nghiệm luôn là đối mặt với thất bại bởi ông cũng có những sai lầm trong quá trình nuôi cấy. Hiện ông đang duy trì số lượng 4.000 lọ/lứa nuôi với tỉ lệ thành công từ 80 - 90%. Sau khi sấy khô, số ĐTHT thu lại được khoảng 14 - 16 kg, mang lại doanh thu hơn 600 triệu đồng/lứa.
ĐTHT là loại dược liệu khó nuôi cấy, yêu cầu kỹ thuật khắt khe lẫn vốn đầu tư lớn. Nhưng bằng sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất nên các mô hình ĐTHT trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều triển vọng. Theo ước tính của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 cơ sở sản xuất ĐTHT, tất cả đang phát triển tốt.
nguồn: Báo Thanh Hóa