Mô hình trồng sen theo chuỗi đem lại hiệu quả kinh tế cao

Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, cần mẫn, chăm chỉ, anh Trần Văn Dũng ở thôn Hoạch Thôn, xã Định Tăng, huyện Yên Định, đã tiên phong trên con đường khởi nghiệp để đưa cây sen bén duyến trên đồng đất này. Từ đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, làm đẹp cảnh quan môi trường ở địa phương.

Học và làm việc tại Hàn Quốc, anh Dũng thấy nhu cầu người dân sử dụng sen rất nhiều, hầu như tất cả các món ăn của họ đều có sen, nên anh tò mò, tìm hiểu về giá trị mang lại từ cây sen. Sau một thời gian tìm hiểu, anh thấy được giá trị mang lại từ sen là rất cao, sen lại là cây dễ trồng, lợi thế nhất của quê mình là có đủ quỹ đất để phát triển nghề trồng sen.

Năm 2018 anh Dũng đã bắt tay vào thử nghiệm chuyển đổi 2 ha đất trồng lúa của gia đình sang mô hình trồng sen lấy củ. Ban đầu anh bỏ ra 100 triệu đồng để mua giống sen từ tỉnh Đồng Tháp về trồng thử nghiệm. Nhờ ủng hộ giúp đỡ của gia đình, kiên trì học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, lựa chọn được giống sen phù hợp với chất đất nơi đây, thời tiết thuận lợi, thâm canh đúng kỹ thuật, sau 6 tháng, cây sen cho thu hoạch năng suất đạt gần 13 tấn/1 ha. Anh Dũng đã hợp tác và cung cấp củ sen tươi cho hệ thống siêu thị Vinmart Hà Nội, GO!Thanh Hóa và một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh với giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/1kg.
Không dừng lại ở đó, bằng những kiến thức và kỹ thuật có trong tay, anh Dũng đã chế biến củ sen thành các sản phẩm như: trà củ sen và tinh bột củ sen được anh lấy thương hiệu An Nhiên Farm, giá bán từ dao động 500.000đ/1kg trà sen, 1.200.000đ/1 kg tinh bột củ sen. Trà sen và tinh bột củ sen có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là trị các bệnh về đường hô hấp, đường máu... Với mức giá này, gia đình anh thu về từ 1,1-1,3 tỷ đồng, cao hơn 6-7 lần so với trồng lúa trước đây. Bên cạnh đó anh còn tận dụng mặt nước để nuôi cá như: cá chuối, cá trắm... tạo thêm thu nhập và có tác dụng để diệt loài ốc bươu vàng.

Anh Dũng chia sẻ thêm, sen là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chỉ cần làm kỹ thuật tốt, cây sen sẽ sinh trưởng và phát triển mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Để chế biến ra được 2 loại sản phẩm trà củ sen và tinh bột củ sen, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khắt khe hơn. Sen sau khi thu hái về được rửa sạch bằng vòi áp lực rồi tiến hành phân loại (loại già làm bột, non làm trà, nhánh bỏ làm giống), cho vào máy nghiền để bột sen được chảy ra bể lắng khoảng 2 tiếng thay nước một lần. Bột sạch thì cho vào máy sấy khô tiến hành đóng túi hút chân không để đảm bảo chất lượng của vị sen. Hiện nay, số lượng sản xuất ra tinh bột củ sen, trà sen của anh Dũng tập trung cung cấp ra thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở Việt Nam, 2 sản phẩm này có mặt chủ yếu ở các nhà thuốc Đông y, các cửa hàng thực phẩm an toàn. Mới đây, trà sen và tinh bột củ sen An Nhiên Farm của anh Trần Văn Dũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Không bằng lòng dừng lại ở 2 loại sản phẩm là trà củ sen và tinh bột củ sen, anh Trần Văn Dũng tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm một số loại sản phẩm khác từ cây sen như: trà hoa sen, trà lá sen, hạt sen sấy, trà củ sen... Để tạo được một chuỗi sản xuất đáp ứng đầu ra cho thị trường, anh Trần Văn Dũng đã liên kết với các hộ dân trong và ngoài tỉnh phát triển vùng nguyên liệu sen lấy củ.

Hiện nay, cơ sở sản xuất An Nhiên Farm đã và đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/ người/ tháng và 30 lao động thời vụ với mức công trả là 300.000 đồng/ người/ tháng. Việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập và làm đẹp thêm cảnh quan làng quê.
Nguồn: Báo VHĐS