Phát triển mắc ca Hồ Dung thành sản phẩm OCOP

Sau nhiều năm không ngừng mở rộng diện tích, hơn 10 ha sản xuất cây mắc ca tại trang trại Hồ Dung, tiểu khu 1, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) đã cho thu hoạch. Không chỉ bán mắc ca thô mà bà Nguyễn Thị Dung, chủ trang trại còn tìm tòi, học hỏi và đầu tư máy móc để sơ chế, chế biến mắc ca thành nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, từng bước hoàn thiện chất lượng để phát triển mắc ca mang nhãn hiệu Hồ Dung thành một trong những sản phẩm OCOP có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM, người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành đã đưa nhiều cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, thay thế cho những loại cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Trong đó, mắc ca là một trong những loại cây trồng có xuất xứ từ Australia được người dân đưa vào sản xuất, phát triển ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thành, toàn huyện có khoảng 70 ha cây mắc ca, trong đó diện tích chủ yếu được trồng tại thị trấn Vân Du. Hiện, khoảng 70% diện tích cây mắc ca đã cho thu hoạch nhưng sản phẩm được người dân bán tươi cho thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao, chưa phát huy được giá trị của loại cây trồng mới này.
Là một trong hàng chục hộ dân đầu tiên đưa cây mắc ca vào trồng xen canh trên diện tích đất sản xuất của gia đình, bà Nguyễn Thị Dung, chủ trang trại Hồ Dung, cho biết: "Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về những loại cây trồng mới để đưa vào thay thế cho một số loại cây trồng truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, gia đình tôi nhận thấy mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục tiêu, tuổi thọ dài hơn 60 năm, góp phần cải tạo đất, chống xói mòn đất. Bên cạnh đó, thân gỗ của cây mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, năm 2013, tôi tham gia dự án của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư hơn 80 triệu đồng để đưa cây mắc ca trồng xen canh, thử nghiệm trên diện tích đồi của gia đình với tổng diện tích hơn 1,8 ha".
Sau 4 năm thử nghiệm, diện tích cây mắc ca của gia đình bà Dung đã cho thu hoạch, với năng suất khoảng 1,3 tấn/ha, mang lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy loại cây trồng này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế vượt trội, nên từ năm 2017 đến nay, gia đình bà Dung tiếp tục đầu tư hơn 450 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng cây mắc ca và hệ thống máy sấy hạt. Hiện tại, gia đình bà đã có khoảng 2.200 gốc mắc ca, với tổng diện tích gần 10 ha. Sản lượng đạt khoảng 10 tấn/năm, doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng/năm...
Không chỉ phát triển sản phẩm hạt mắc ca khô đơn thuần, bà Nguyễn Thị Dung luôn tìm tòi, học hỏi để phát huy cao nhất tiềm năng của loại hạt được mệnh danh là “nữ hoàng hạt khô” này. Sau thời gian nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và tham khảo những nhãn hiệu mắc ca nổi tiếng của cả nước, bà Nguyễn Thị Dung đã lựa chọn phát triển mắc ca theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường để tạo nên chất lượng vượt trội cho sản phẩm. Bà Dung cho biết: "Toàn bộ quy trình sản xuất các loại cây trồng của trang trại Hồ Dung đều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện “3 không” trong sản xuất, là: Không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không thuốc tăng trưởng. Chính vì vậy sản phẩm làm ra đều đạt chuẩn VietGAP, được cơ quan chuyên môn chứng nhận về chất lượng. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình đều thuê công nhân cắt tỉa tán, loại bỏ cành sâu bệnh, để lá thưa đón ánh sáng và bón phân hữu cơ quanh gốc. Đối với sản phẩm, gia đình tôi đầu tư máy sấy, máy cắt hạt và hút chân không để phát triển, sơ chế các sản phẩm từ hạt khô. Hiện nay, nhãn hiệu mắc ca Hồ Dung với các sản phẩm, như: hạt mắc ca xẻ nứt, hạt mắc ca bóc... được sản xuất theo công nghệ sấy lạnh nên màu sắc, hương vị của sản phẩm không bị thay đổi sau quá trình sấy. Chất lượng được người tiêu dùng đánh giá rất cao, trở thành thứ hạt thân thuộc với nhiều người tiêu dùng".
Cũng theo bà Dung, canh tác mắc ca không chịu áp lực mùa vụ, chi phí chăm sóc, bón phân mỗi vụ chưa đến 10 triệu đồng/ha nhưng cho nguồn thu nhập cao, ước tính lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với những loại cây trồng khác.
Ông Lê Ngọc Hội, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du, cho biết: Hiện nay, cây mắc ca hiện đang là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường về sản phẩm hạt mắc ca khá lớn nên có tiềm năng phát triển mắc ca thành một trong những sản phẩm nổi trội, là lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường và đủ điều kiện để gắn sao OCOP, các sản phẩm mắc ca mang nhãn hiệu Hồ Dung cần đầu tư phát triển bao bì, nhãn mác, hoàn thiện các hệ thống đánh giá tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay, UBND thị trấn Vân Du đã và đang hỗ trợ chủ thể hoàn thiện chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hồ sơ để tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để nhãn hiệu mắc ca Hồ Dung được vươn xa hơn trên thị trường.
Nguồn: Báo Văn hóa đời sống