Phát triển ngành nghề tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập, phát triển nghề mới. Đó là giải pháp mà nhiều địa phương đang thực hiện nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới vùng nông thôn.
Nghề đan chao đèn lồng xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Trước đây, ngoài làm ruộng, bà Hà Thị Lý, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) không làm nghề phụ gì. Cuộc sống vì thế khá chật vật. Từ khi địa phương thực hiện Chương trình Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Lý cũng như nhiều phụ nữ trong thôn đã có điều kiện khôi phục, tiếp tục gắn bó với nghề dệt truyền thống của địa phương. Hiện, nghề dệt thổ cẩm đang được nhiều chị em phụ nữ trong xã hưởng ứng, tham gia, nhiều gia đình đã thoát được nghèo nhờ dệt thổ cẩm. Bà Lý cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với phụ nữ Thái chúng tôi từ lâu đời, sau này có nhiều sợi vải, chỉ len công nghiệp thay thế nguyên liệu thủ công, nên nghề có phần bị mai một. Từ khi địa phương thực hiện Chương trình Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những người thợ dệt như chúng tôi được tạo điều kiện để gìn giữ nghề và truyền cho thế hệ con cháu. Ngoài việc dệt các sản phẩm để sử dụng, chúng tôi còn dệt các sản phẩm làm quà lưu niệm để bán cho khách du lịch đến với Pù Luông”.
Được biết, nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống từ cuối năm 2021. Cùng với đó, từ nguồn kinh phí của Đề án “Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” và kinh phí hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, xã Lũng Niêm đã vận động Nhân dân đầu tư mua máy may, khung dệt thổ cẩm, khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa có thêm sản phẩm để phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng. Đến nay, toàn xã có hơn 80 hộ gia đình tham gia sản xuất, với 71 khung cửi và 13 điểm trưng bày các mặt hàng thêu dệt thổ cẩm. Nhờ có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nên thu nhập bình quân của mỗi lao động trong thôn đạt 58 triệu đồng/năm; ngoài ra, hàng năm thôn còn đón khoảng 11.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm làng nghề.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, như: đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; đầu tư hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước sản xuất tập trung tại các làng nghề... Đồng thời, đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá mạnh, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của Nhân dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở trong tỉnh, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu đã được các cơ sở làng nghề quan tâm. Hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề ngày càng được liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 làng nghề và 61 làng nghề truyền thống được công nhận. Các ngành, nghề lao động, sản xuất tại nông thôn, toàn tỉnh hiện có 1.070 doanh nghiệp, 569 HTX, 61 tổ hợp tác và 23.746 hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh. Tổng số lao động tham gia sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn là 126.314 người; trong đó, số lao động thường xuyên chiếm 76,5%, lao động thời vụ chiếm 23,5%. Thu nhập từ làm nghề tiểu thủ công nghiệp dao động từ 4 - 12 triệu đồng/người/tháng, tùy vào số lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, thời gian làm không bị gò bó, có thể tận dụng thời gian nông nhàn và đặc biệt là dễ làm nên thu hút đông đảo lao động trung tuổi và ngoài độ tuổi lao động tham gia. Hình thức dạy nghề cũng khá đa dạng, góp phần nhân rộng và phát triển nghề tại nhiều địa phương. Đến nay, các làng nghề đã xây dựng được 50 sản phẩm OCOP; tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề năm 2024 đạt 11.338 tỷ đồng.
Việc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và lao động nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM.
- Nâng sức cạnh tranh sản phẩm OCOP từ yếu tố bản địa
- Phát triển ngành nghề tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
- Tăng giá trị nông sản bằng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP
- “Thắp lửa, giữ lửa” nghề truyền thống...
- Phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp
- Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để xuất khẩu
- Chương trình Ocop tại Thanh Hóa - “Vườn hoa nhiều hương sắc”
- Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
- Gạo sạch trên những cánh đồng xanh
- Khám phá quy trình sản xuất miến dong tráng tay truyền thống