“Số hóa” sản phẩm OCOP

Trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh không chỉ quan tâm đến phát triển số lượng và chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong khâu sản xuất, quản trị và xây dựng kênh phân phối cho các sản phẩm. Nhờ đó, đã có nhiều sản phẩm OCOP mở rộng được thị trường tiêu thụ, khẳng định chất lượng, uy tín với người tiêu dùng thông qua việc minh bạch nguồn gốc nhờ công nghệ số.

177d0145321t65015l0.jpg
HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) thực hiện livestream bán sản phẩm tại Triển lãm chuyên đề “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh" năm 2024.
Tính đến trung tuần tháng 11/2024, toàn tỉnh có 548 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 đến 5 sao. Đa phần các sản phẩm đều được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hầu hết các chủ thể OCOP đều thực hiện “số hóa” một hoặc nhiều khâu trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xem đây là giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị kinh tế, sức ảnh hưởng của sản phẩm trên thị trường.

Năm 2020, sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi được xếp hạng 3 sao đã mở ra cơ hội phát triển mới cho Công ty CP Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn) trong định hướng phát triển của mình. Anh Trịnh Đức Trọng, Giám đốc Công ty, cho biết: “Bên cạnh đầu tư máy móc vào quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt nhất, thì đầu ra của sản phẩm cũng là bài toán được chúng tôi chú trọng. Trong đó, công ty đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền và gắn mã QR cho từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đồng thời giữ vững thương hiệu sản phẩm đặc trưng này. Với việc quét mã tra cứu thông tin, người tiêu dùng có thể nắm toàn bộ quy trình sản xuất, quy chuẩn chất lượng của sản phẩm, từ đó có sự so sánh, đối chứng để đưa ra lựa chọn tốt nhất”.

Được biết, thông qua việc đăng ký mã số, mã vạch và áp dụng số hóa quy trình sản xuất, các sản phẩm của Công ty CP Thảo Ngọc Việt đã tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều sản phẩm của đơn vị được chế biến từ đông trùng hạ thảo, đặc biệt 3 sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao là đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo nguyên con, viên nang đông trùng hạ thảo được đơn vị chú trọng quảng bá và chăm sóc, tiêu thụ trên nhiều nền tảng

online như: facebook, zalo và một số sàn thương mại điện tử (TMĐT). Nhờ tính lan tỏa tốt của kênh phân phối này, số lượng hàng hóa bán qua kênh trực tuyến và nền tảng số lên tới 60% số đơn hàng, mang lại doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm.

Thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh tiêu thụ. Trong đó, các địa phương đã triển khai nhiều điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối với nhiều hội nghị xúc tiến cung - cầu cấp tỉnh, cấp vùng và quốc gia. Các chủ thể OCOP còn được hỗ trợ tham gia quảng bá, bán hàng trên sàn TMĐT. Qua đó góp phần quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP.

Hiệu quả và giá trị kinh tế từ việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã được chứng minh. Do đó, ngày càng nhiều chủ thể, sản phẩm OCOP “số hóa” từ các khâu đơn lẻ đến toàn bộ quy trình sản xuất. Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh khẳng định: “Việc “số hóa” sản phẩm OCOP không hề khó. Bởi bên cạnh sự trợ lực của tỉnh thì chúng ta còn có đội ngũ chủ thể sản xuất năng động, tích cực và có kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số”.

Những tháng đầu năm 2024, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân tham gia sàn TMĐT. Ngoài ra, các sở, ngành, và địa phương cũng hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể đăng tải thông tin, nguồn gốc sản phẩm OCOP trên một số website như: Ocoptinhthanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn; trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... và phối hợp tổ chức phiên livestream “Chợ phiên OCOP Thanh Hóa” để giới thiệu sản phẩm nông đặc sản của tỉnh. Qua những hoạt động đó, toàn tỉnh đã có khoảng 600 chủ thể OCOP tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn TMĐT, với trên 1.050 sản phẩm các loại. Thông qua việc đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và giúp các doanh nghiệp, HTX tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm.