Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP được sự quan tâm của Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các Sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các Chủ thể OCOP. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 346 sản phẩm OCOP, trong đó có: 1 sản phẩm 5 sao, 54 sản phẩm 4 sao (trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đang đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng), 291 sản phẩm 3 sao

Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP được sự quan tâm của Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các Sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các Chủ thể OCOP. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 346 sản phẩm OCOP, trong đó có: 1 sản phẩm 5 sao, 54 sản phẩm 4 sao (trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đang đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng), 291 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: cói Nga Sơn, Quế ngọc - Thường Xuân, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - Thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du - Thạch Thành; gà đồi Như Xuân, chè lam Phủ Quảng - Vĩnh Lộc, tương Làng Ái - Yên Định…
Để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển của các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP; các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng, quan tâm đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến thương mại. Đã tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể OCOP thực hiện cung cấp thông tin sản phẩm thông qua tem truy xuất điện tử (tem Qrcode). Đến nay, 100% các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều dán tem Qrcode để cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về: nguồn gốc nguyên liệu, cơ sở sản xuất, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến, thành phần, chất lượng sản phẩm....
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện 100% hộ sản xuất nông nghiệp, chủ thể OCOP được đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên môi trường số; đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn theo chỉ tiêu tại Quyết định số 350/QĐ-BTTTT ngày 24/2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện Quan Hoá, Ngọc Lặc, Thị xã Bỉm Sơn, Bưu điện tỉnh Thanh Hoá và Chi nhánh bưu chính Viettel Thanh Hoá tổ chức tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số cấp xã, thôn, bản cho hơn 500 học viên là cán bộ xã, thôn, Đoàn TNCS HCM, Tổ công nghệ số cộng đồng thuộc 03 huyện, thị xã; phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số và triển khai nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố…
Để hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử (www.langnghethanhhoa.vn); Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, tin bài trên Website ocoptinhthanhhoa.com.vn, ocopvietnam.gov.vn và Fanpage OCOP tỉnh Thanh Hóa để tuyên truyền triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Riêng trang Fanpage: OCOP tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022 đã tiếp cận được với trên 300 ngàn lượt xem, tương tác góp phần quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đến khách hàng trên mọi miền tổ quốc.
Kết quả bước đầu
Đến nay, toàn tỉnh đã có 66 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 38 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu trên sàn TMĐT như: Lazada, Shopee, Tiki, Tabao, Sendo… Cùng với đó, các sản phẩm OCOP cũng được cập nhật, giới thiệu sản phẩm trên chuyên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa “Đồng hành cùng người Việt nâng tầm nông sản Việt” tại địa chỉ: http://chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn/nongsan/Default.aspx”, qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đến nay, có 22 sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính,như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 61 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Đức, Mỹ; Dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng, đã xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…
Trong năm 2023, UBND tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP; giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức maketing, kỹ năng bán hàng, kỹ năng livestream; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số cho các chủ thể OCOP; tiếp tục quảng bá sản phẩm OCOP trên các trang Web, fanpage OCOP; hỗ trợ các chủ thể xây dựng video clip ngắn để quảng bá trên nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội; hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP của tỉnh./. 

Phan Xuân Hùng - Văn phòng Điều phối NTM tỉnh