Xây dựng thương hiệu cho mật ong xứ Thanh

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ rừng, đặc biệt là núi Chí Linh, từ năm 2020, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ma Hao (Lang Chánh) đã triển khai nghề nuôi ong lấy mật. Từ 100 bọng ong rừng ban đầu ở núi Chí Linh, các công nhân kỹ thuật của công ty đã thuần hóa và phát triển lên gần 4.000 bọng được nuôi ở hai khu dưới núi rừng Chí Linh. Không chỉ tận dụng lợi thế sản phẩm tinh túy từ thiên nhiên, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ma Hao còn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến như máy hạ thủy, tách nước và lọc các tạp chất để sản phẩm mật ong luôn đặc, sánh, mịn, nguyên chất, nhằm hướng tới xây dựng thành công mật ong Ma Hao thành sản phẩm OCOP trong năm 2023. Còn tại xã Phượng Nghi (Như Thanh), để phát huy tiềm năng, lợi thế của diện tích rừng, các mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng đang được đẩy mạnh. HTX dịch vụ nông nghiệp Phượng Xuân trên địa bàn đã hỗ trợ các hộ dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và chế biến, xây dựng sản phẩm mang đặc trưng mật ong thiên nhiên Phượng Nghi và sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi, cho biết: “Hiện toàn xã đã phát triển được hơn 1.000 đàn ong, với khoảng 40 hộ nuôi. HTX dịch vụ nông nghiệp Phượng Xuân trên địa bàn đang đứng ra xây dựng rất tốt chuỗi sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời liên kết với nhiều điểm, cửa hàng bán sản phẩm tại các huyện, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mật ong. Nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp, xã Phượng Nghi đã và đang tổ chức cho người dân địa phương tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng để cạnh tranh trên thị trường”. Là vùng cây ăn quả lớn, đặc biệt là cây có nhiều hoa cho nhiều mật, chính quyền và các hội đoàn thể huyện Thạch Thành cũng khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật, phát triển kinh tế hộ gia đình, kêu gọi các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, từ đó phát triển mật ong thành đặc sản, sản phẩm địa phương. Điển hình như tại xã Ngọc Trạo hiện có khoảng 50 - 60 hộ nuôi ong lấy mật, với hơn 1.300 đàn ong, mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao. Hội nông dân xã đang vận động các hộ nuôi ong lấy mật thành lập tổ hợp tác để liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật, tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; đồng thời lựa chọn sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tại thị trấn Kim Tân, hiện HTX ong mật Thành Kim cũng đã tập hợp được gần 50 hội viên với tổng số hơn 1.500 đàn ong, mỗi năm thu hàng chục tấn mật ong. Tham gia HTX, các thành viên giúp nhau phát triển đàn ong, về công tác kỹ thuật, tiêu thụ. Năm 2022, sản phẩm mật ong Thành Kim của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo lãnh đạo huyện Thạch Thành, hiện nghề nuôi ong lấy mật tại địa phương đang được đầu tư, định hướng để biến mật ong trở thành sản phẩm thế mạnh. Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với cơ quan khuyến nông, Hội Làm vườn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ nuôi ong mật. Đồng thời khuyến khích hội viên nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác nuôi ong lấy mật để cùng hỗ trợ nhau trong kinh nghiệm nuôi ong, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 13.000 hộ nuôi ong, với khoảng hơn 100.000 đàn, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: Thạch Thành, Thường Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy... Mỗi năm, sản lượng mật ong toàn tỉnh đạt khoảng 180.000 lít, với giá trị hơn 50 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm từ mật ong đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, tiêu biểu như: Sản phẩm mật ong Hưởng Hoa, mật ong Thành Kim tại huyện Thạch Thành; mật ong Ngàn hoa Xuân Thái, mật ong thiên nhiên Phượng Nghi tại huyện Như Thanh; mật ong hoa rừng Thọ Bình, mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất Bình Sơn tại huyện Triệu Sơn... Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các chủ thể, HTX, tổ hợp tác đã phát triển mở rộng thêm được thị trường và gia tăng đáng kể sản lượng tiêu thụ.